Lợi dụng lúc trời tối hoặc nhá nhem tối, nơi thiếu ánh sáng; trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng; kẹp lẫn giữa tiền thật với tiền giả để thực hiện giao dịch... là một trong những thủ đoạn của các đối tượng tiêu thụ, lưu hành tiền giả.
Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã phát hiện và thu giữ hàng trăm triệu đồng tiền giả của khách hàng đến giao dịch tại các ngân hàng thương mại và kho bạc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, chủ yếu là loại tiền polymer giả có mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng.
Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây tiêu thụ, lưu hành tiền giả
Theo Trung tá Đào Xuân Cường, Đội trưởng đội An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa, trước đây tiền giả thu được chủ yếu có mệnh giá thấp để dễ lưu hành thì thời gian gần đây, số tiền giả thu được lại có mệnh giá lớn. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng tội phạm người nước ngoài vào Việt Nam có thủ đoạn nhúng tiền giả vào hóa chất làm cho tờ tiền chuyển sang màu sẫm, tạo cảm giác tiền cũ đã được lưu thông từ lâu.
Cũng theo Trung tá Cường, tiền giả được làm ở nước ngoài với công nghệ hiện đại, được cải tiến thường xuyên do lợi dụng triệt để những tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên có những loại tiền siêu giả (loại tiền mệnh giá 500.000 đồng). Loại tiền này áp dụng kỹ thuật tạo ra các sợi phát quang dưới máy soi khi kiểm tra tiền giả, vì vậy các loại máy soi tiền thông dụng không thể phát hiện được, cần phải có những máy soi chuyên dụng.
Qua nắm bắt của cơ quan điều tra, cách thông thường nhất mà các đối tượng tiêu thụ tiền giả là lợi dụng lúc trời tối hoặc nhá nhem tối, nơi thiếu ánh sáng để dùng tiền giả mua hàng. Người bán hàng bị hạn chế về khả năng quan sát nên khó phát hiện được hành vi của các đối tượng.
Có trường hợp đối tượng lưu hành tiền giả vào ban ngày nhưng chúng trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng mua hàng mà không mặc cả rồi đi ngay nên khi người bán hàng phát hiện ra thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”. Một số đối tượng khi mua hàng có giá trị lớn có thể kẹp lẫn giữa tiền thật với tiền giả để người bán không phát hiện được...
Về phương thức lưu hành tiền giả, các đối tượng thường chọn những nơi trình độ dân trí thấp, ít có khả năng phân biệt giữa tiền thật và tiền giả hoặc những nơi đông người, có khách vãng lai đến tham quan, du lịch. Hơn nữa, khi lưu hành tiền giả, đối tượng thường không mang theo nhiều để phòng trường hợp nếu bị phát hiện thì lấy lý do không biết là tiền giả hoặc do nhầm lẫn. Việc xé lẻ tiền giả để lưu hành nhằm tránh sự cảnh giác, phát hiện của người nhận tiền nên lượng tiền bị phát hiện, thu giữ rất ít, còn trên thực tế, đối tượng đã tiêu thụ nhiều lần ở nhiều nơi trong môt thời gian dài.
Trước tình trạng trên, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các phòng chức năng, công an các đơn vị trong tỉnh tăng cường công tác nghiệp vụ, thường xuyên bám địa bàn để vừa tuyên truyền phổ biến cho nhân dân cách nhận biết tiền giả vừa phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia tố giác tội phạm buôn bán, tàng trữ tiền giả...
Đồng thời, phối hợp với ngành ngân hàng, kho bạc về đảm bảo an ninh tiền tệ, trong đó có hoạt động phòng, chống tội phạm tiền giả. Từ năm 2015 đến nay, các đơn vị Công an trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 4 vụ phạm tội về tiền giả, thu giữ 410 triệu đồng.
Duy Tuyên